Trang chủ

Giới thiệu

Kế toán

Dịch vụ tư vấn kế toán

Thành lập công ty

Thay đổi giấy phép KD

Giải thể công ty

Liên hệ

Tiền lương

5.0/5 (4 votes)
- 7

Khái niệm tiền lương và bản chất kinh tế của tiền lương - Tiền lương là một phạm trù kinh tế gắn liền với lao động, tiền tệ và nền sản xuất hàng hóa.

Tiền lương là gì?

Hãy cùng Tân Thành Thịnh giải đáp tất cả những vấn đề liên quan đến Tiền Lương tại bài viết này nhé.

1. Tiền lương là gì?

Tiền lương là sự trả công hoặc thu nhập bằng tiền mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động thông qua các thỏa thuận của hợp đồng theo quy định quy định pháp luật bằng việc mua sức lao động.

Tiền lương tiếng anh là salary bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

1.1 Bản chất tiền lương

Bản chất củaTiền lương chính là biểu hiện bằng tiền của giá cả sức lao động, do đó tiền lương là một phạm trù kinh tế gắn liền với lao động, tiền tệ và nền sản xuất hàng hóa.

Mặt khác, trong điều kiện tồn tại nền sản xuất hàng hóa và tiền tệ, tiền lương là một yếu tố chi phí sản xuất, kinh doanh cấu thành nên giá thành của sản phẩm, lao vụ, dịch vụ.

Ngoài ra, tiền lương còn là đòn bẩy kinh tế quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, có tác dụng động viên khuyến khích tinh thần hăng hái lao động, kích thích và tạo mối quan tâm của người lao động đến kết quả công việc của họ. Nói cách khác, tiền lương chính là một nhân tố thúc đẩy năng suất lao động.

1.2 Vai trò của tiền lương tối thiểu:

  • Tiền lương tối thiểu là lưới an toàn bảo vệ người lao động trên thị trường lao động.
  • Giảm bớt sự đói nghèo.
  • Loại bỏ sự cạnh tranh không công bằng, chống lại xu hướng giảm chi phí các yếu tố sản xuất tới mức không thỏa đáng trong đó có tiền lương.
  • Bảo đảm sự trả công tương đương cho những công việc tương đương (phụ nữ, nam giới, giữa các vùng khác nhau, giữa các đẳng cấp , nhóm lao động khác nhau) .
  • Phòng ngừa sự xung đột giữa giới chủ và giới thợ làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.

Ngoài các vai trò trên, ở Việt nam, tiền lương tối thiểu còn được dùng làm “căn cứ để tính các mức lương cho các loại lao động khác, thực hiện chính sách BHXH và tính trợ cấp xã hội”.

  • Ngày nay cũng còn nhiều quan điểm khác nhau về tiền lương tối thiểu. Có quan điểm ủng hộ quy định tiền lương tối thiểu nhưng cũng có quan điểm phản đối. 
  • Ngay ở Mỹ, các chính khách thường đòi tăng lương tối thiểu với lý do nhằm để bảo vệ quyền lợi cho công nhân thiếu tay nghề và giới trẻ, nhưng hậu quả ngược lại là hai thành phần này khó kiếm việc làm hơn, do các công ty không muốn trả lương cao cho những loại lao động thiếu tay nghề.
  • Một thực tế hiện nay các doanh nghiệp ở Việt nam đều trả lương cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu nên họ không sợ vi phạm việc trả lương dưới mức quy định. Nhưng trong khi tổng mức lương không thay đổi mà nghĩa vụ đóng góp (BHXH, BH Ytế) lại tăng lên làm cho thu nhập thực tế có khi giảm đi.
  • Mặt khác tiền lương thiết yếu là một lượng tiền cần thiết cho một hộ gia đình để tồn tại với những vật dụng sinh hoạt thiết yếu, được hiểu như ngưỡng nghèo. Các đạo luật về tiền lương quốc gia thường gắn lương thiết yếu với lương tối thiểu. 
  • Các đạo luật này thường được dựa trên một tập hợp một số loại hàng hóa và vật dụng thiết yếu, thường được đánh giá bằng mức giá cả (chỉ số tiêu dùng), hoặc bằng tỉ lệ lạm phát. 
  • Các đạo luật của của quốc gia thường lấy tiền lương tối thiểu làm chuẩn để có những sửa đổi cần thiết để tiền lương có thể theo kịp lạm phát và để khôi phục lại sức mua đã mất của tiền lương.

a) Tiền lương danh nghĩa: Là số lượng tiền mà người lao động nhận được khi họ hoàn thành một khối lượng công việc nhất định.

b) Tiền lương thực tế: Cùng một khối lượng tiền tệ nhưng ở những thời điểm khác nhau hay vùng địa lý khác nhau thì khối lượng hàng hóa hay dịch vụ mua được cũng có thể khác nhau. Như vậy Tiền lương thực tế là khối lượng hàng hóa hay dịch vụ mà người lao động nhận được thông qua tiền lương danh nghĩa.

1.3 Ý nghĩa của tiền lương với người lao động

  • Tiền lương là yếu tố cơ bản để quyết định thu nhập tăng hay giảm của người lao động, quyết định mức sống vật chất của người lao động làm công ăn lương trong doanh nghiệp. 
  • Vì vậy để có thể trả lương một cách công bằng chính xác, đảm bảo quyền lợi cho người lao động thì mới tạo ra sự kích thích, sự quan tâm đúng đắn của người lao động đến kết quả cuối cùng của doanh nghiệp. 
  • Có thể nói hạch toán chính xác đúng đắn tiền lương là một đòn bẩy kinh tế quan trọng để kích thích các nhân tố tích cực trong mỗi con người, phát huy tài năng, sáng kiến, tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình của người lao động tạo thành động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế.
  • Mặt khác, tiền lương là một trong những chi phí của doanh nghiệp hơn nữa lại là chi phí chiếm tỉ lệ đáng kể. Mục tiêu của doanh nghiệp là tối thiểu hoá chi phí, tối đa hoá lợi nhuận nhưng bên cạnh đó phải chú ý đến quyền lợi của người lao động. 
  • Do đó làm sao và làm cách nào để vừa đảm bảo quyền lợi của người lao động vừa đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.
  •  Đó là vấn đề nan giải của mỗi doanh nghiệp. Vì vậy hạch toán tiền lương và các khoản trích theo lương không những có ý nghĩa phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người lao động mà còn có ý nghĩa giúp các nhà quản lý sử dụng quỹ tiền lương có hiệu quả nhất tức là hợp lý hoá chi phí giúp doanh nghiệp làm ăn có lãi. 
  • Cung cấp thông tin đâỳ đủ chính xác về tiền lương của doanh nghiệp, để từ đó doanh nghiệp có những điều chỉnh kịp thời, hợp lý cho những kì doanh thu tiếp theo.

Tiền lương và các khoản trích theo lương sẽ là nguồn thu nhập chính, thường xuyên của người lao động, đảm bảo tái sản xuất và mở rộng sức lao động, kích thích lao động làm việc hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh khi công tác hạch toán tiền lương và các khoản trích theo lương được hạch toán hợp lý công bằng chính xác.

2. Chế độ tiền lương là gì?

Mức lương tối thiểu (chung, vùng, ngành, doanh nghiệp, tùy từng quốc gia quy định), chế độ tiền lương gồm 12 chế độ sau:

  • Chế độ lương ngạch, bậc, cấp bậc, chức vụ (hoặc lương cơ bản, lương chính) gồm: thang lương, bảng lương, mức lương, phụ thuộc vào các yếu tố thường xuyên do yêu cầu của công việc, chức vụ quyết định (mức độ phức tạp của công việc, chức vụ, hao phí lao động, điều kiện lao động, trách nhiệm của công việc, chức vụ, chính sách ưu đãi, khuyến khích theo ngành, nghề,...) 
  • Chế độ phụ cấp lương, nhằm bổ sung các yếu tố không thường xuyên mà lương ngạch, bậc, cấp bậc, chức vụ chưa tính hết được, hoặc vì tính hiệu quả của việc quy định chế độ lương ngạch, bậc, cấp bậc, chức vụ.   
  • Chế độ nâng bậc, ngạch lương và tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, hoặc tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ, hoặc chức danh, tiêu chuẩn công chức, viên chức nhà nước. 
  • Chế độ tiền lương làm thêm giờ.    
  • Chế độ tiền lương làm việc ban đêm.         
  • Chế độ tiền lương ngừng việc.       
  • Chế độ tiền lương ngày nghỉ hằng năm (nghỉ phép), nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ được hưởng lương (nghỉ việc riêng: cưới, tang lễ cha, mẹ, vợ, con)
  • Chế độ tiền lương được cử đi học tập, bồi dưỡng tay nghề, chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ.         
  • Chế độ tiền lương bị tạm giam, tạm giữ.    
  • Chế độ tiền thưởng từ quỹ tiền lương (áp dụng cho hình thức trả lương thời gian có thưởng, đơn giá sản phẩm có thưởng, thưởng chuyên cần, an toàn,...).           
  • Chế độ tạm ứng tiền lương.           

Ngoài những chế độ tiền lương trên thì còn tùy vào từng điều kiện, hoàn cảnh của doanh nghiệp mà người lao động còn hưởng các chế độ khác như là: bữa ăn giữa ca, bữa ăn ca đêm, chế độ bồi dưỡng độc hại, tiền hỗ trợ đi - về từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, hỗ trợ tiền nhà ở, tiền gửi trẻ, tiền thưởng từ lợi nhuận,...          

2.1 Các hình thức trả lương

Có 2 hình thức trả lương chính hiện nay là: trả lương theo sản phẩm hoặc trả lương theo thời gian.

a) Trả lương theo sản phẩm

Tiền lương theo sản phẩm là hình thức trả lương cho người lao động căn cứ và kết quả số lượng sản phẩm mà họ tạo ra và đơn giá tiền lương tính theo một đơn vị sản phẩm mà người sử dụng lao động thỏa thuận trước đó.

>> Các hình thức trả lương theo sản phẩm:

  • Trả lương sản phẩm trực tiếp cá nhân: là hình thức trả lương dựa vào số lượng sản phẩm thực tế hoàn thành và đơn giá tiền lương cho một sản phẩm.
  • Trả lương sản phẩm gián tiếp: là hình thức trả tiền lương gián tiếp cho người tạo ra kết quả của người lao động chính. Ví dụ tiền lương trả cho người lao động ở bộ phận vận hành máy móc hoặc vận chuyển nguyên vật liệu hoặc thành phẩm.
  • Trả lương sản phẩm tập thể: là hình thức trả lương cho một nhóm lao động cùng thực hiện một công việc, một dự án…
  • Lương sản phẩm theo đơn giá bình thường, đơn giá có thưởng, đơn giá lũy tiến, lũy thoái:  là hình thức trả lương cho bộ phận có vai trò quyết định đến thành công của kế hoạch của doanh nghiệp.
  • Trả lương khoán: thường áp dụng trong khu vực sản xuất, kinh doanh.

>> Ưu điểm:

  • Thúc đẩy, khuyến khích người lao động nâng cao năng suất lao động.
  • Nâng cao năng lực, cải tiến sản xuất tổ chức lao động ở các phân xưởng, tổ công nhân.
  • Kết hợp hài hòa các lợi ích: nhà nước, tập thể và người lao động.

>> Nhược điểm:

  • Dễ xảy ra tình trạng chạy theo số lượng nhưng chất lượng không được đảm bảo
  • Sử dụng vật tư không tiết kiệm

b) Trả lương theo thời gian

Trả lương theo thời gian là hình thức trả lương dựa vào thời gian làm việc của người lao động theo quy định. Thời gian làm việc của người lao động bao gồm thời gian thực tế làm việc và thời gian được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận của hai bên. 

Lương theo thời gian bao gồm các loại: lương năm, lương tháng, lương tuần, lương ngày và lương giờ. Tùy vào loại hình công việc mà có hình thức trả lương phù hợp.

  • Tiền lương theo tháng: là tiền lương trả cố định theo tháng cho người lao động cố định trên cơ sở hợp đồng, tháng lương, bậc lương cơ bản do nhà nước quy định.
  • Tiền lương ngày: là tiền lương trả cho một ngày làm việc và được xác định bằng cách lấy tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc trong tháng theo chế độ.
  • Tiền lương giờ: là tiền lương trả cho một người làm việc và tính bằng cách lấy tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc trong ngày.

>> Ưu điểm:

Tiền lương theo thời gian phản ánh chất lượng lao động, số lượng lao động và trình độ nghề nghiệp người lao động thông qua kết quả lao động cụ thể.

>> Nhược điểm:

Năng suất lao động bị hạn chế, không kích thích hoặc phát huy được hết năng lực của người lao động.

Trả lương bằng gì? Trả bằng tiền mặt, trả bằng tài khoản hoặc trả bằng hiện vật.

  • Trả trực tiếp bằng tiền mặt: người lao động nhận trực tiếp tiền lương từ người sử dụng lao động theo thỏa thuận hình thức trả lương trước đó.
  • Trả thông qua tài khoản ngân hàng: sử dụng tài khoản ngân hàn làm đơn vị trung gian để trả gián tiếp tùy vào thỏa thuận khi làm việc.
  • Trả bằng hiện vật: người lao động sẽ được trả bằng hiện vật nếu đã chấp thuận thỏa thuận trước khi làm việc.

2.2 Nghị định mới nhất về tiền lương là gì?

Ở thời điểm hiện tại thì nghị định mới nhất về tiền lương là 90/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 với các quy định cụ thể như sau:

  • Quy định mức lương tối thiểu của từng vùng miền cụ thể: Vùng I: 4.420.000 đồng/tháng, vùng II: 3.920.000 đồng/tháng, vùng III: 3.430.000 đồng/tháng, vùng IV: 3.070.000 đồng/tháng.
  • Người lao động được người sử dụng lao động trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
  • Tiền lương trả cho người lao động được căn cứ theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, năng suất lao động, khối lượng và chất lượng công việc mà người lao động đã thực hiện.
  • Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Trường hợp thay đổi hình thức trả lương, thì người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày.
  • Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân.        

3. Cách tính tiền lương tiền lương tối thiểu

Theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP thì từ ngày 01/01/2020 cách tính tiền lương tối thiểu được quy định cụ thể như sau:

Các vùng

Mức lương tối thiểu vùng năm 2019

(áp dụng từ 01/01/2019 đến 01/01/2020)

Mức lương tối thiểu vùng năm 2020

(áp dụng từ 01/01/2020)

Vùng I

                   4.180.000 đồng/tháng

            4.420.000 đồng/tháng

Vùng II

                   3.710.000 đồng/tháng

            3.920.000 đồng/tháng

Vùng III

                   3.250.000 đồng/tháng

            3.430.000 đồng/tháng

Vùng IV

                   2.920.000 đồng/tháng

            3.070.000 đồng/tháng

 

3.1 Tiền lương nghỉ phép được tính như thế nào?

Căn cứ vào Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 thì tiền lương nghỉ phép được tính như sau:

Tiền nghỉ phép trong năm = (Tiền lương làm căn cứ để trả lương phép / Số ngày làm việc bình thường của tháng trước liền kề trước khi trả lương phép ) x Số ngày nghỉ phép hằng năm.

Trong đó: 

a) Tiền lương làm căn cứ để trả lương phép được quy định như sau:

  • Đối với người lao động đã làm việc từ đủ 06 tháng trở lên thì tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm.
  • Đối với người lao động chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm vì các lý do khác là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người sử dụng lao động tính trả bằng tiền những ngày chưa nghỉ hằng năm.
  • Đối với NLĐ có thời gian làm việc dưới 06 tháng là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của toàn bộ thời gian làm việc.

b) Số ngày nghỉ phép hằng năm được tính như sau:

Số ngày nghỉ phép hằng năm = (Số ngày nghỉ hằng năm + Số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên)/ 12 x Số tháng làm việc thực tế trong năm.

3.2 Cách tính tiền lương hưu như thế nào?

Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính tương ứng với số năm đóng BHXH. Tỷ lệ hưởng tối thiểu là 45% và tối đa là 75%   (theo quy định tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014)

Trong đó, nếu người lao động nghỉ hưu từ năm 2021 thì:

  •  Lao động nam: 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 19 năm đóng BHXH, sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa bằng 75%.
  • Lao động nữ: 45% mức bình quân lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa bằng 75%.

a) Công thức tính lương hưu

Lương hưu = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

(theo Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP)

b) Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng năm được xác định như sau:

>> Với lao động nam: 

  • Hưởng lương hưu từ 01/01/2021 đến hết 31/12/2021: 

Đóng BHXH đủ 19 năm thì được hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó, cứ mỗi năm đóng thêm BHXH thì cộng thêm 2%, tối đa là 75%.

  • Hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2022 trở đi: 

Đóng BHXH đủ 20 năm thì được hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%, tối đa là 75%.

>> Với lao động nữ

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 115 năm 2015, lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2021 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH. 

Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

c) Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính như sau:

Căn cứ Điều 9 Nghị định 115 năm 2015, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu của người lao động được quy định cụ thể như sau:

- Người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH như sau:

TT

Thời gian bắt đầu tham gia BHXH

Tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

1

Trước ngày 01/01/1995

Của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu

2

Từ 01/01/1995 - 31/12/2000

Của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu

3

Từ 01/01/2001 - 31/12/2006

Của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu

4

Từ 01/01/2007- 31/12/2015

Của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu

5

Từ 01/01/2016 - 31/12/2019

Của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu

6

Từ 01/01/2020 - 31/12/2024

Của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu

7

TỪ 01/01/2025 trở đi

Của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian


Trong đó:

  •  Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định: Bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính của toàn bộ thời gian đóng BHXH.
  • Người lao động có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định vừa do người sử dụng lao động quyết định: Bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính chung của các thời gian.
  • Người lao động có thời gian đóng BHXH đủ 15 năm trở lên thì lấy mức lương cao nhất của công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… hoặc mức tiền lương trước khi chuyển ngành tương ứng với số năm tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đã nêu ở bảng trên nếu là sĩ quan quân đội, công an…
  • Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày 01/10/2004 theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định mà hưởng BHXH từ ngày 01/01/2016 trở đi: Tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính hưởng BHXH được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ việc;
  • Người lao động đã đóng BHXH có phụ cấp thâm niên nghề sau đó chuyển sang ngành khác không được hưởng phụ cấp thâm niên nghề: Lấy mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ tính lương hưu tại thời điểm nghỉ hưu cộng với phụ cấp thâm niên nghề (nếu đã được hưởng) theo thời gian đã đóng BHXH gồm phụ cấp thâm niên nghề chuyển đổi theo chế độ tiền lương tại thời điểm nghỉ hưu để tính lương hưu.

d) Quy định Tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường

Theo Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu áp dụng từ đầu năm 2021 như sau: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ.

Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028, và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

>> Các bạn xem thêm thuế gtgt là gì

Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ:

Công ty TNHH Tư Vấn Doanh Nghiệp - Thuế - Kế Toán Tân Thành Thịnh